THỦ TỤC CẦN LÀM SAU KHI THÀNH LẬP CÔNG TY

46 lượt xem admin 02/12/2024

Một công ty được chính thức thành lập khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Sở kế hoạch và đầu tư. Tuy nhiên để đảm bảo tuân thủ pháp luật và đi vào hoạt động, doanh nhân cần lưu ý một số công việc cần thực hiện sau khi thành lập công ty được tổng hợp trong bài viết sau đây.

1. KHẮC CON DẤU

Doanh nghiệp có quyền quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng việc quản lý, lưu giữ và sử dụng dấu sẽ được thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế của doanh nghiệp – những văn bản nội bộ do công ty soạn thảo.

Khi sử dụng gói dịch vụ thành lập công ty của SC1, chúng tôi liên kết với các đơn vị khắc dấu được cấp phép và sẽ hỗ trợ bạn khắc con dấu ngay sau khi có thông tin về Mã số thuế của Công ty. Thời gian hoàn thành con dấu: 01 ngày.

2. MỞ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG CỦA DOANH NGHIỆP

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Người đại diện theo pháp luật cần liên hệ với các Ngân hàng thương mại hoặc Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam mở tài khoản thanh toán cho doanh nghiệp của mình để góp vốn và sử dụng cho các giao dịch, hợp đồng của Công ty.

3. THIẾT LẬP HỒ SƠ THUẾ BAN ĐẦU

Các thông tin đăng ký thuế ban đầu được doanh nghiệp cung cấp trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đồng thời, sau khi đã nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký thuế ban đầu với cơ quan quản lý thuế trực tiếp trong vòng 30 ngày kể từ ngày thành lập công ty. Hiện nay, tùy thuộc vào quy định của từng cơ quan quản lý thuế mà hồ sơ đăng ký thuế ban đầu có thể bao gồm các giấy tờ sau:

  • Bản sao y công chứng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Bảng đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định;
  • Công văn về việc đăng ký thực hiện hình thức, chế độ kế toán, hóa đơn;
  • Quyết định bổ nhiệm giám đốc;
  • Quyết định bổ nhiệm kế toán.

4. THỰC HIỆN GÓP VỐN THEO CAM KẾT

Tùy từng loại hình doanh nghiệp mà doanh nghiệp thực hiện việc góp vốn như sau:

  • Đối với công ty TNHH: Chủ sở hữu hoặc các thành viên phải góp vốn đầy đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.
  • Đối với công ty cổ phần: Các cổ đông sáng lập có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

5. CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN PHẦN VỐN GÓP

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tại thời điểm góp vốn. Trường hợp không cấp, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

6. SỔ ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN VÀ SỔ ĐĂNG KÝ CỔ ĐÔNG

Công ty phải lập và lưu giữ sổ đăng ký thành viên (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên) hoặc sổ đăng ký cổ đông (đối với công ty cổ phần). Doanh nghiệp không thực hiện có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng và buộc lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông theo quy định.

7. THÀNH LẬP BAN KIỂM SOÁT

Công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát. Công ty cổ phần có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát. Trường hợp doanh nghiệp không thành lập Ban kiểm soát thì có thể bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và buộc thành lập Ban kiểm soát theo quy định.

8. MUA CHỮ KÝ SỐ ĐIỆN TỬ

Chữ ký số điện tử là bắt buộc, giúp cho doanh nghiệp dễ dàng kê khai và nộp thuế qua mạng điện tử, tránh lãng phí thời gian và công sức đi lại. Chữ ký số điện tử có giá trị tương đương với con dấu của doanh nghiệp khi nộp thuế điện tử. Để thực hiện nộp thuế điện tử SC1 sẽ hỗ trợ Khách hàng mua chữ ký số điện tử (Token) tại địa chỉ uy tín với giá cả ưu đãi nhất]

9. NỘP TỜ KHAI, LỆ PHÍ MÔN BÀI

Hiểu đơn giản, thuế môn bài là loại thuế Công ty phải nộp hàng năm cho cơ quan Nhà nước. Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 1 hàng năm.

Theo quy định mới nhất, công ty thành lập mới sẽ được Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu đầu tiên. Do đó doanh nghiệp chỉ cần nộp tờ khai lệ phí môn bài với số tiền 0 đồng trong năm đầu thành lập.

Mức thu lệ phí môn bài:

Doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;

Doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;

Đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp: chi nhánh, địa điểm kinh doanh nộp thuế môn bài là 1.000.000 đồng/năm.

10. LÀM BẢNG HIỆU CÔNG TY

Sau khi bắt đầu đi vào hoạt động, công ty cần treo bảng hiệu tại trụ sở của công ty, bảng hiệu công ty phải thể hiện thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại chính xác theo nội dung đăng ký kinh doanh. Tránh trường hợp khi cơ quan thuế đột xuất kiểm tra trụ sở, nếu không có bảng hiệu sẽ có quyền ra thông báo doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh và sử dụng hoá đơn.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính.

11. ĐĂNG KÝ SỬ DỤNG HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ

Hiện nay đối với doanh nghiệp mới thành lập từ năm 2019 thì việc sử dụng hóa đơn điện tử là bắt buộc. SC1 sẽ hỗ trợ Quý khách liên hệ với một số nhà mạng cung cấp hóa đơn điện tử lớn với mức giá ưu đãi nhất.

12. THIẾT LẬP HỒ SƠ KẾ TOÁN, BÁO CÁO THUẾ

  • Các chứng từ nộp tiền vào công ty, tài khoản công ty.
  • Các chứng từ, hợp đồng, hoá đơn mua vào bán ra trong giai đoạn công ty thành lập và ngay sau thành lập.
  • Hồ sơ sổ sách kế toán, báo cáo thuế khác

13. XÂY DỰNG VÀ THÔNG BÁO THANG LƯƠNG, BẢNG LƯƠNG

Tất cả doanh nghiệp phải xây dựng Thang lương, Bảng lương.

Doanh nghiệp trên 10 lao động bắt buộc phải đăng ký Thang lương, Bảng lương với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Đây là cơ sở để thực hiện tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

Doanh nghiệp phải căn cứ theo Mức lương tối thiểu vùng hiện hành để quy định mức lương cho từng chức danh, công việc, nhóm công việc sao cho phù hợp với các nguyên tắc mà pháp luật quy định.

14. XÂY DỰNG VÀ ĐĂNG KÝ NỘI QUY LAO ĐỘNG

Doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì phải có Nội quy lao động bằng văn bản.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành Nội quy lao động thì doanh nghiệp phải nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký Nội quy lao động với Phòng lao động nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

15. THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN

Điều kiện để thành lập Công đoàn tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Công đoàn) là phải có ít nhất 05 đoàn viên Công đoàn Việt Nam; hoặc, phải có ít nhất 05 người lao động có đơn tự nguyện xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Nếu muốn thành lập Công đoàn thì trước tiên, những người lao động sẽ phải tổ chức Ban vận động thành lập Công đoàn tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Ban vận động) và nên liên hệ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi gần nhất hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ việc thành lập Công đoàn.

16. LƯU Ý VỀ NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

Khi thành lập, doanh nghiệp hãy lưu ý đến ngành, nghề kinh doanh của mình, nếu thuộc những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện và phải bảo đảm xuyên suốt trong quá trình kinh doanh của mình.

Đối với một số ngành, nghề chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện trong suốt quá trình kinh doanh. Đối với nhiều ngành, nghề thì phải cần giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện… trước khi kinh doanh.

Giải pháp số 1 hỗ trợ tư vấn miễn phí trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp và làm rõ các điều kiện, giấy phép cần có đối với các ngành nghề kinh doanh của Công ty.