Sau khi hoàn thành quá trình thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp và dự án đầu tư, công ty đã được chính thức công nhận là một chủ thể kinh doanh độc lập và có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, cũng như có thể thực hiện hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực đã đăng ký. Tuy nhiên, chúng tôi muốn lưu ý rằng, mặc dù công ty có quyền kinh doanh và hoạt động trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhưng với một số ngành nghề cụ thể, công ty phải tuân thủ các điều kiện được quy định bởi pháp luật và có các giấy phép, chứng nhận liên quan đến ngành nghề kinh doanh của mình để có thể thực hiện kinh doanh và hoạt động hợp pháp. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích về giấy phép con và các trường hợp cần thiết để xin giấy phép con.
1. Giấy phép con là gì
- Khái niệm
Hiện nay, luật pháp Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể về “giấy phép con”. Tuy nhiên, trong hoạt động đầu tư kinh doanh thông thường, giấy phép con được hiểu là thuật ngữ dùng để chỉ các loại giấy tờ như Giấy chứng nhận, Giấy phép kinh doanh… nhằm ghi nhận việc doanh nghiệp đã đáp ứng được các điều kiện chuyên ngành riêng và kể từ thời điểm đó, doanh nghiệp đã đủ điều kiện để thực hiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đó.
- Các hình thức của giấy phép con
Giấy phép con có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm nhưng không giới hạn ở các tên gọi như Giấy phép; Giấy chứng nhận; Chứng chỉ; Văn bản xác nhận, chấp thuận; Quyết định…
Ví dụ:
- Sản xuất mỹ phẩm – Đăng ký Công bố lưu hành sản phẩm
- Kinh doanh Dịch vụ bảo vệ – Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự
- Trường mầm non – Quyết định cho phép thành lập trường
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế – Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế
- Kinh doanh nhà hàng – Biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy
2. Khi nào phải xin giấy phép con
Nhà đầu tư được phép kinh doanh trong các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục IV của Luật đầu tư sau khi đáp ứng đủ các yêu cầu, và phải đảm bảo tiếp tục đáp ứng các điều kiện đó trong quá trình kinh doanh.
Theo quy định của Luật đầu tư, không phải tất cả các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đều phải xin giấy phép con. Nhà đầu tư được cấp các văn bản hoặc được thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh khi đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và yêu cầu công ty thực hiện thủ tục xin cấp phép bằng văn bản được quy định tại mục 1.2 là các trường hợp cần phải xin giấy phép con.
3. Thẩm quyền, hồ sơ, thời gian, kết quả của việc xin giấy phép con
- Thẩm quyền
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 7 Nghị định 01/2021, mỗi ngành nghề kinh doanh khác nhau sẽ thuộc thẩm quyền quản lý của một hoặc một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác nhau. Vì vậy, việc quản lý các điều kiện kinh doanh, xem xét hồ sơ và cấp phép cho các loại giấy phép sẽ được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tương ứng. Do đó, tùy theo từng lĩnh vực quản lý chuyên môn, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sẽ khác nhau cho từng loại giấy phép con.
Ví dụ:
- Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm – thuộc thẩm quyền của Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y Tế
- Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế – thuộc thẩm quyền của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Giấy phép sản xuất thuốc thú y – thuộc thẩm quyền của Cục Thú y – Bộ Y tế
- Giấy phép bán buôn, bán lẻ rượu – thuộc thẩm quyền của Sở Công thương
- Thành phần hồ sơ
Các ngành nghề kinh doanh sẽ được quản lý bởi các cơ quan chuyên môn khác nhau và các điều kiện cần đáp ứng cũng khác nhau tùy thuộc vào từng ngành. Do đó, hồ sơ xin cấp giấy phép con sẽ có sự đa dạng và khác biệt tương ứng. Tuy nhiên, thông thường, các hồ sơ xin cấp giấy phép con ở Việt Nam sẽ bao gồm các tài liệu và giấy tờ cơ bản sau đây:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép con. Văn bản này thường theo mẫu được quy định trong Nghị định, Thông tư chuyên ngành, hướng dẫn trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đó.
- Văn bản giải trình về việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện đó. Văn bản này thường dưới dạng bản thuyết minh, đề án.
- Nhóm giấy tờ cá nhân của người quản lý, người tham gia hoạt động kinh doanh có điều kiện, như lý lịch tư pháp, bằng cấp, giấy chứng nhận sức khoẻ.
- Nhóm giấy tờ chứng minh các điều kiện mà chủ thể kinh doanh cần đáp ứng, như: Chứng nhận góp vốn, xác nhận ký quỹ, biên bản nghiệm thu…
- Các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật liên quan.
- Thời hạn xử lý
Thời hạn xử lý giấy phép con sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm quy trình xử lý, thẩm định hồ sơ, đáp ứng các yêu cầu thủ tục của cơ quan nhà nước và cơ sở của công ty. Ngoài ra, việc cung cấp giấy tờ và tài liệu đầy đủ và hợp lệ, đáp ứng các điều kiện kinh doanh và giải trình thích hợp cho các yêu cầu của pháp luật cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian xử lý hồ sơ. Dưới đây là một số ví dụ về thời gian xử lý dự kiến cho việc xin giấy phép con trên thực tế:
- Giấy phép bán buôn rượu – 10 ngày làm việc;
- Giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động – 4 đến 6 tháng;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất phim – 30 ngày;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm – 15 ngày làm việc.
- Kết quả
Sau khi đáp ứng các điều kiện để kinh doanh, hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện, công ty được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép con theo các hình thức được đề cập tại mục 1.2 của bài viết này. Công ty sẽ có quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ ngày có giấy phép con hoặc ngày thời hạn được ấn định trong giấy phép con. Trong quá trình hoạt động, công ty lưu tâm đến các lưu ý tại mục 4 của bài viết này và tuyệt đối phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động.
4. Một số lưu ý đối với giấy phép con và kinh doanh trong ngành, nghề có điều kiện
Thời hạn của giấy phép con là một điều quan trọng cần được lưu ý. Khi hết thời hạn, công ty sẽ phải xin gia hạn hoặc cấp mới/cấp lại giấy phép con nếu muốn tiếp tục kinh doanh ngành nghề đó.
Kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 6 Điều 16 Luật Doanh nghiệp. Trường hợp vi phạm, công ty có thể bị tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, công ty cần xin giấy phép con riêng biệt cho mỗi chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh nếu như chúng cũng kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Việc đáp ứng các điều kiện này trong suốt quá trình kinh doanh cũng là điều cần thiết để tránh vi phạm các quy định pháp luật. Nếu công ty chưa có đủ kinh nghiệm và kiến thức pháp lý trong ngành nghề kinh doanh của mình, công ty nên tham khảo ý kiến từ các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp hoặc đơn vị luật sư để đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Ngoài những quy định của các Luật chuyên ngành, công ty cần chú ý đến các điều kiện khác được quy định trong các Thông tư, Nghị định hướng dẫn trong các lĩnh vực khác nhau.